TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC, KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

13/04/2023 08:43

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm lớn đến sự nghiệp giáo dục. “ Chiến lược trăm năm trồng người” của Bác là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Quan điểm ấy của Người đã, đang và vẫn sẽ được tiếp nối qua các thời kì phát triển của dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác khuyến học, khuyến tài và nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập là một trong những di sản quý báu Người để lại cho dân tộc Việt Nam. Với quan điểm “ giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”, Bác đã động viên khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống “hiếu học” từ ngàn đời của ông cha để tích cực học tập, nâng cao dân trí tham gia công cuộc kiến thiết nước nhà. Chính sách ấy đã lan tỏa, cổ vũ, cuốn hút sự tham gia của cả dân tộc Việt Nam. Phong trào “diệt giặc dốt”, “bình dân học vụ” không chỉ xóa được nạn mù chữ, mà còn thu hút được nhiều lực lượng trí thức tham gia gánh vác việc nước. Năm 1956 trong thư gửi đồng bào đã xoá nạn mù chữ, Bác viết “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình  độ văn hóa của nhân dân cũng là việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh”. Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về khuyến học khuyến tài, tinh thần tự học, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Giây phút cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn mong muốn “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Sau khi được Hội khuyến học huyện Phúc Thọ triển khai viết về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương, trong tôi như có điều gì đó thôi thúc khiến tôi rất muốn viết về cô giáo Vũ Thị Thanh Hương - một cô giáo về hưu tận tâm tận lòng cho sự nghiệp khuyến học xã nhà. Cô luôn khiến tôi ngưỡng mộ bởi lòng nhiệt tình và yêu thương học trò, sự đam mê với công tác chuyên môn, bản lĩnh tuyệt vời của một nhà giáo.

Cô sinh ra và lớn lên tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ.Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành sư phạm Mầm non vào năm 1985.Cô vào nghề với tất cả nhiệt huyết và sức cống hiến của tuổi trẻ, cô giảng dạy tại trường Mầm non Ngọc Tảo đến năm 2000 cô được phân công giữ chức vụ Phó hiệu trưởng. Năm 2003 cô chuyển công tác về xã Thanh Đa và giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Mầm non Thanh Đa, từ lúc giảng dạy cho đến khi về hưu cô đã ghi tiếp những thành tích đáng tự hào vào lịch sử truyền thống nhà trường. Sau khi về hưu, cô vẫn miệt mài cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm tài năng cho các bạn nhỏ, cô vẫn đóng góp tích cực cho địa phương, được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức vào năm 2022. 

Gắn bó với nghề Nghề “nuôi dạy trẻ”, đây là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”.  Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô. Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết: kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất…và không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến, bảo vệ trẻ. Đối với cô Hương thì với lòng yêu nghề, tình yêu đối với trẻ là tình mẹ con, cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

                                       

                                                  

Cô giáo Vũ Thị Thanh Hương và những giờ dạy trẻ miễn phí

 Năm 2018, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, với lòng yêu nghề, cô lại tiếp tục tham gia giảng dạy tại nhà cho các em học sinh và vừa tham gia hoạt động Hội CGC. Cô mở lớp dạy cho các bé tiền tiểu học, kèm và bồi dưỡng học sinh giỏi, viết chữ đẹp ở bậc Tiểu học; mở lớp kỹ năng sống cho trẻ Mầm non, Tiểu học, các khoá đào tạo kiến thức nuôi dạy con cho các bậc cha mẹ. Với lòng nhiệt huyết cùng sự năng nổ trong công tác xã hội, năm 2022 cô được bầu làm Chủ tịch Hội CGC xã Ngọc Tảo. Với khối lượng công việc “dày” nhưng không lương như thế, cô vẫn vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy những việc mình làm chưa thấm vào đâu với công ơn trời biển của Bác dành cho dân, cho nước. Thế hệ chúng tôi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện được học hành, được làm người tự do, chúng tôi phải cống hiến cho xã hội dù đã về nghỉ chế độ. Bởi Bác đã dạy: Tuổi cao chí khí càng cao. Còn sức thì còn cống hiến!”.

Thật vậy, dù với vai trò gì, cô Hương vẫn toàn tâm huyết với công tác xã hội. Là Chủ tịch Hội CGC xã, cô đã vận động hỗ trợ các nhà trường trên địa bàn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật bằng việc xây dựng quỹ học bổng khuyến học mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng, mỗi năm vận động mạnh thường quân hỗ trợ các suất học bổng cho học sinh học học giỏi khó khăn. Thường xuyên phối kết hợp với các trường học Mầm non, Tiểu học, THCS Ngọc Tảo để tham mưu, cố vấn, đề xuất các sáng kiến kinh nghiệm giáo dục hay. Kịp thời giải đáp các mong muốn phù hợp của phụ huynh học sinh trong xã. Tham dự Khai giảng, bế giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11… tạo mối liên kết chặt chẽ, đóng góp vào sự phát triển giáo dục của xã nhà.

Với ưu thế của một cán bộ làm công tác Khuyến học và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, không quản ngại khó khăn, cô Hương đã đi đến từng nhà bà con để vận động họ tham gia đóng góp vào quỹ khuyến học. Nhất là trong các chương trình khuyến học, khuyến tài của xã, cô cùng với các hội viên phối hợp với các đoàn thể động viên các gia đình, dòng tộc phát huy vai trò học tập của con em mình, khen thưởng kịp thời cho các cháu học sinh có thành tích trong mỗi năm học. Đồng thời, cô Hương còn tham gia giảng dạy các lớp học phổ cập, kết hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các chuyên đề học tập, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam.

Bên cạnh đó, cô cùng Hội tham gia tư vấn các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo của ngành, xây dựng xã hội học tập; vận động hội viên tích cực tham gia những chương trình thiện nguyện như Cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, đóng góp các loại quỹ; thăm nom chăm sóc hội viên bệnh tật, hiếu hỉ, đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho hoạt động Hội, tham gia viết thư pháp tại các trường, giáo dục ngoại khoá ở các quận, huyện khác…

Với 33 năm trong nghề, trong suốt chặng đường ấy dù công tác ở đâu cô cũng luôn được nhà trường tin tưởng giao cho nhiều công việc khó khăn. Đồng thời với vai trò là một đảng viên, cô luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được quần chúng, phụ huynh và nhân dân tín nhiệm.

Không chỉ “Giỏi việc trường”, cô còn “Đảm việc nhà”, công việc bận rộn nhưng cô luôn sắp xếp hợp lí để có thời gian chăm lo cho gia đình, giúp gia đình nhỏ luôn bình yên, hạnh phúc. Các con của cô luôn chăm ngoan, học giỏi; gia đình cô luôn được mọi người tôn trọng và hàng năm đều đạt gia đình văn hóa.

Với những đóng góp đó, cô Hương nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, lúc còn công tác cô liên tục đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp Thành phố; nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A cấp huyện, giải B cấp Thành phố. Có nhiều giấy khen đạt giải cao trong các cuộc thi do Huyện và Thành phố tổ chức. Cô liên tục đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.

                                                    

                                                                  

Một góc nhỏ trong những thành tích mà cô đạt được

                                                                

                                                                                     Cô giáo Vũ Thị Thanh Hương vẫn miệt mài cùng học  trò

                                              

                                                            Cô tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá cùng các trường 

Cô đã đóng góp tích cực vào phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng  họ, cộng đồng mà Hội Khuyến học xã đã tích cực triển khai trong những năm qua và là hạt nhân phong trào trên địa bàn xã. Tôi đã học tập được nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp, cẩn thận, tận tụy và chu đáo ở cô. Nhìn lại một hành trình dài, thành tích của cô không chỉ là niềm vui của cá nhân mà còn là niềm tự hào của xã Ngọc Tảo chúng tôi. Cô thật xứng đáng là một tấm gương sáng, một nhà giáo mẫu mực cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập, noi theo; xứng đáng là điển hình trong công tác giáo dục và khuyến học, khuyến tài của xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ./.

Ảnh do nhân vật cung cấp

Bài viết: Ngô Thị Nhàn – Công chức VH-XH xã Ngọc Tảo